Ðà Nẵng, vị trí chiến lược trên hải lộ qua biển Ðông

Publié le par Bienxua

Ðà Nẵng, vị trí chiến lược trên hải lộ qua biển Ðông
  
 
Cách đây đúng 45 năm, vào ngày 8 tháng 3, 1965, dân chúng Ðà Nẵng nô nức ra bờ biển xem lính Mỹ đổ bộ vào Việt Nam.
 Và bây giờ, lịch sử lại tái diễn với hàng không mẫu hạm George Washington, thay cho hàng không mẫu hạm Enterprise, hầu như tại cùng một địa điểm cách bờ hai trăm hải lý ngoài khơi Ðà Nẵng.
1535: Người Châu Âu đầu tiên, Antonio de Faria, đến Ðà Nẵng.
1778 : Charles Chapman đề nghị Anh Quốc lập căn cứ tại Ðà Nẵng.
1847: Pháp đánh Việt Nam, đổ bộ đầu tiên vào Ðà Nẵng.
1965: Hoa Kỳ vào Việt Nam qua cửa ngỏ Ðà Nẵng.
2010: Chiến hạm George Washington cập cảng Ðà Nẵng.
Trong khi ấy, một chiếc chiến hạm nhỏ hơn, khu trục hạm John S. McCain đi vào cập bến Ðà Nẵng. Mỉa mai hơn nữa, cũng giống như năm 1965, trực thăng Mỹ vào bốc các quan chức Việt Nam và báo chí ra hàng không mẫu hạm để cho thấy sức mạnh quân sự Hoa Kỳ.
Cũng có khác biệt. Một khác biệt thôi: Năm 1965, thủy thủ đoàn trong tàu hầu như không có một người nào gốc Việt, trong khi lần này số thủy thủ trên tàu là người Mỹ gốc Việt không phải là ít.
Vì sao cả hai lần, 1965 và 2010, người Mỹ đều chọn đến vùng biển Ðà Nẵng để “diệu võ dương oai” như nhận định của nhật báo Global Times của Trung Quốc?
Con đường hàng hải đi qua biển Ðông là một trong những hải lộ bận rộn nhất thế giới. Theo một tính toán, một phần ba vận chuyển thương mại thế giới đi qua vùng biển mà hiện nay giới lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố thuộc về họ. Ngay sau khi nhậm chức, chính phủ Obama đã nói rõ quyết tâm của mình trong việc thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển quốc tế sau khi tàu và máy bay Trung Quốc phát động một chiến dịch phối hợp sách nhiễu các tàu giám sát hàng hải của Mỹ trên biển Ðông. Tình tiết gay cấn nhất xảy ra hồi tháng 3, 2009, là cuộc “đụng độ” giữa thủy thủ Trung Quốc với tàu USNS Impeccable của Hoa Kỳ. Thành ra việc chính phủ Mỹ mang hàng không mẫu hạm George Washington đến vùng biển này để “diệu võ dương oai” là chuyện tất yếu.
Nhưng, câu hỏi vẫn là: Tại sao lại chọn vùng biển Ðà Nẵng?
 
Quân Pháp đổ bộ lên Ðà Nẵng năm 1858, trong một bức khắc gỗ thế kỷ 19. (Nguồn: Wikimedia/Public Domain) 
Biển cả mênh mông, nhưng không phải tàu bè có thể muốn đi như thế nào cũng được. Tuy rằng không có luật lệ nào bắt buộc, hầu như tất cả đều đi theo những hải lộ giống những xa lộ trên đất liền vậy. Những hải lộ này có từ ngàn xưa và sở dĩ được chọn vì chúng là con đường đi tương đối an toàn trên biển, vốn nhiều đá ngầm và sóng gió. Thời xưa, trước khi có những phương tiện hiện đại như GPS, những hải lộ này được chọn để người ta có thể dựa vào những cột mốc - một địa điểm nào đặc biệt dễ nhận dạng để có thể biết được vị trí mình đang ở đâu trên biển. Và núi Hải Vân là một trong những cột mốc truyền thông cho những nhà hàng hải đi từ Trung Quốc xuống các biển phía Nam, và ngược lại.
Chính vì vậy mà hải lộ đi từ Singapore lên Hồng Kông và xa hơn nữa về phía Bắc tiến qua bờ biển Việt Nam gần nhất ở vào khoảng Ðà Nẵng. Một điều trùng hợp là vị trí của tàu George Washington đậu ở ngoài khơi đó là ngay chính giữa hải lộ này, khiến cho mọi tàu thuyền qua lại đều có thể nhìn thấy.
 
Chuyên viên mật mã Thượng Sĩ Cody Perez hát chung với trẻ em mẫu giáo ở Ðà Nẵng
nhân chuyến ghé thăm cảng này của chiến hạm USS John McCain vào tháng 8, 2010.
(Hình: Lt. Mike Morley/US Navy) 
Không phải đến bây giờ Ðà Nẵng và vùng biển chung quanh mới là nơi mà người ta nhòm ngó. Ngay từ thời thượng cổ, đây đã là tụ điểm của các thương thuyền thế giới, một trạm dừng chân của thương mại giữa Ðông và Tây. Thuyền buôn Trung Quốc thường đi đến vùng Ðà Nẵng này để tập trung, nghỉ ngơi, tiếp tế nước và đồ ăn trước khi đi tiếp xuống các nước phía Nam. Hán thư của Ban Cố viết vào khoảng thế kỷ thứ 1 sau Công Nguyên mô tả con đường hàng hải giao dịch giữa đế quốc Hán thời đó với các nước phía Nam như sau:
“Từ miền quan ải Nhật Nam (từ vùng Thừa Thiên-Quảng Nam hiện nay) đi thuyền năm tháng đến nước Ðô Nguyên. Lại đi thuyền bốn tháng nữa thì đến nước Ấp Tô Một, lại đi thêm khoảng 20 ngày nữa đến nước Sâm Ly. Ði bộ hơn mười ngày thì đến nước Phù Cam Ðô Lô. Từ nước Phù Cam Ðô Lô đi thuyền hơn hai tháng thì đến nước Hoàng Chi... Các lái buôn mang theo vàng và các đồ tơ dệt đi vào biển mua minh châu, lưu ly, đá quý đến nước nào cũng được cho ăn và cho người đi cùng. Thuyền buôn của Man Di đem hóa vật đến cũng lợi cho việc trao đổi. Chỉ khổ nỗi hay gặp cướp biển giết người hoặc gặp sóng gió thuyền đắm chết người. Nếu không chết thì có khi vài năm sau mới trở về được.”
Theo sự khảo sát của những học giả người Pháp tại trường Viễn Ðông Bác Cổ thì nước Hoàng Chi chính là đô thành Kancipura ở miền Nam Madras (Ấn độ) bây giờ, Ðô Nguyên là một nước cổ thuộc bán đảo Mã Lai, Ấp Ðô Một, Sâm Ly, Phú Cam Ðô Lô có thể là thuộc ven biển Miến Ðiện trên vịnh Bengal.
Sau này, khi vùng Nhật Nam bị mất vào tay Lâm Ấp (sau thành Chiêm Thành) thì ưu thế của vùng này không những không giảm mà còn trở nên quan trọng hơn nữa. Vào những thế kỷ từ đầu thiên niên kỷ thứ nhất đến thứ 7, Hội An được coi là hải cảng lớn nhất Ðông Nam Á với tên được nhắc đến trong sử sách Trung Quốc là Lâm Ấp Phố. Trong những thế kỷ này, My Sơn là thủ đô tinh thần, Trà Kiệu là thủ đô chính trị và Hội An là thủ đô thương mại của Lâm Ấp.
Vị trí chiến lược của Ðà Nẵng cũng được người Mông Cổ nhận thấy trong thế kỷ thứ 13 khi người Mông Cổ âm mưu muốn chiếm vùng Ðông Nam Á. Theo Nguyên Sử , sau khi thất bại trong việc chinh phục Java, trong bài biểu dâng lên Nguyên chủ Hốt Tất Liệt, Toa Ðô đã đề nghị phải đánh chiếm lấy vùng Ô Lý, Việt Lý (Thừa Thiên, Quảng Nam hiện nay) làm căn cứ để có thể mở đường đánh xuống Java và các đảo Nam Dương:
“Cần phải lấy ba đạo, Ô Lý Việt Lý, Triều Châu (miền Bắc Quảng Ðông - cảng Sơn Ðầu vốn là một nơi chính phát xuất các thuyền buôn của Trung Quốc xuống miền Nam) Ty Lan (thuộc đảo Hải Nam hiện nay) nên lập đồn đóng quân, tích thảo đồn lương để tránh cho quân lính mệt nhọc.”
Sau khi vùng này rơi vào tay các triều Ðại Việt, Hội An vẫn tiếp tục là hải cảng được nhiều thuyền buôn ngoại quốc lui tới với tên là Hải Phố (mà sau này những lái buôn Tây phương đọc nhầm thành Faifo) với các khu định cư của người Hoa và người Nhật. Tuy nhiên Hội An - được thành lập trên con sông Thu Bồn càng ngày càng không thích hợp với những thuyền lớn hơn của Tây phương và Ðà nẵng bắt đầu được người ta chú ý đến.
Người Âu đầu tiên đến vùng này là Antonio de Faria, người Bồ Ðào Nha. Faria đến hạ neo ở vịnh Ðà Nẵng vào năm 1535 và khi trở về viết bài khen ngợi vị trí chiến lược của vịnh này và qua đó ảnh hưởng quan trọng đến các tính toán chiến lược của các nước Châu Âu. Trong những thế kỷ thứ 17-18, người Pháp và người Anh đều có những âm mưu chiếm vùng này làm căn cứ địa. Năm 1745, một đề nghị của Pháp thuê cù lao Chàm làm căn cứ địa đã không thành vì không được chúa Võ vương chấp thuận. Ðến năm 1778, một phái bộ của công ty Ðông Ấn Anh do Charles Chapman cầm đầu được gởi sang Việt Nam để tìm hiểu xem có thể lợi dụng tình hình rối loạn của Việt Nam lúc đó để thu hoạch được gì không. Chapman, khi trở về, đã đề nghị Anh nên lập một khu căn cứ địa kiểu Macao tại vùng Ðà Nẵng. Theo Chapman, việc này không khó khăn gì vì họ Nguyễn chắc chắn sẽ sẵn sàng hoan nghênh sự giúp đỡ của Anh chống lại với họ Trịnh và Tây Sơn. Tuy nhiên, chính quyền Anh ở Ấn Ðộ đã không mặn mà với đề nghị của Chapman có lẽ vì họ nghĩ rằng mọi chuyện không dễ dàng gì như Chapman tưởng.
Nhưng đề nghị của Chapman đã được Pháp lấy lại và thực hiện. Thỏa hiệp Versailles ký giữa Bá Ða Lộc, đại diện cho Nguyễn Ánh và chính phủ vương quốc Pháp có điều khoản như sau:
“Vua Gia Ðịnh sẽ nhường cho người Pháp sở hữu tuyệt đối và chủ quyền về đảo và cảng Hội An mà người Âu gọi là Tourane, ngay từ khi quân đội Pháp lấy lại được cảng đó. Người Pháp được quyền xây dựng nhà trên đất liền và mở rộng cảng khi thấy cần thiết và có lợi.”
May mắn là sau này khi chính phủ Pháp không thực hiện những cam kết trong thỏa hiệp này, Gia Long đã hủy luôn lời hứa nhường cho Pháp cảng Ðà Nẵng. Nhưng cũng chính vì lý do đó vào năm 1847 khi quân Pháp bắt đầu sang đánh Việt Nam, nơi đầu tiên họ đổ bộ không phải là Nam Kỳ mà là Tourane (Ðà Nẵng).
Với một quá trình lịch sử như vậy, việc hàng không mẫu hạm George Washington của Mỹ đến đậu ở ngoài khơi Ðà Nẵng là chuyện cố nhiên. Nhất là khi Trung Quốc vừa xây dựng cảng tàu ngầm tại Tam Á mà con đường đi ra ngoài biển khơi hầu như thế nào cũng phải đi băng qua vùng biển ngoài khơi này. 
 
Lê Mạnh Hùng

 

Pour être informé des derniers articles, inscrivez vous :
Commenter cet article