Những gì còn nhớ về Subic Bay * NGUYỄN VĂN QUANG

Publié le par Bienxua

 

 

photo

Subic Bay

 

 

LTS :  Tác giả Nguyễn Văn Quang, Khoá 7 sĩ quan Hải Quân Nha Trang, ngành Cơ khí (1957), đã phục vụ trên
chiến hạm, các đơn vị Tiếp vận và Hải quân Công xưởng Sài Gòn, Việt Nam trước 1975. Hiện ngụ tại Strasbourg, France.

 

     Phi cảng Tân sơn nhứt chiều tháng 8,  dịu trời, nhờ cơn mưa ngày hôm trước. Ở hành lang dành cho khách đi ngoại quốc, khá đông người, chắc là có nhiều chuyến bay quốc tế sắp khởi hành. Bốn sĩ quan Hải quân Việt-Nam (SQ HQVN), quân phục tiểu lễ trắng, với hành trang du học vừa làm xong thủ tục ở quầy vé để gởi hành lý và nhận phiếu lên máy bay. Sau khi chào từ giả thân nhân bạn bè, bắt đầu vào phòng rộng bên trong, chuẩn bị ra máy bay. Chiếc super constellation của Hải quân Hoa kỳ (HQ HK), sơn màu xám, thân thon, bốn động cơ cánh quạt, đang đậu gần toà nhà chính của Trạm Hàng không, chờ hành khách lên máy bay. Hành khách đáp máy bay của HQ HK hôm đó phần lớn là quân nhân Mỹ mặc quân phục kaki vàng, rời Sài gòn trở về nước, chỉ vỏn vẹn có bốn sĩ quan Việt-Nam đi Philippines.. Phi cơ cất cánh trực chỉ phi trường Clark thuộc Căn cứ Không quân Hoa kỳ Clark Field (1), nơi hạ cánh đầu tiên của chuyến bay này. Sau mấy giờ bay; phi cơ hạ thấp cao độ, chuẩn bị đáp, bên ngoài trời chập choạng tối. Bánh xe chạm đất, đèn bên lề phi đạo hiện rõ; phi cơ còn tiếp tục chạy thật lâu mới vào trạm dừng, quá nhiều đèn sáng rực cả một vùng. Tất cả hành khách đều xuống sân, theo hai xe buýt màu xanh đậm của Không quân vào trạm dừng chân, rồi sẽ tiếp tục hành trình.. Riêng bốn bạn đồng hành chúng tôi, khi vào trạm hàng không, phải vội vả đi tìm hành lý, để tới quầy đăng ký chuyển vận của Hải quân, xin phương tiện về Hải quân công xưởng (HQCX) ở Subic Bay, căn cứ của Đệ thất Hạm đội. Cảm giác thật bở ngở khi vào đây, loa phóng thanh thông báo các chuyến bay vang lên, chúng tôi nghe chưa quen tiếng Anh phát trên loa, đèn néon sáng trưng. Hằng trăm quân nhân từ đoàn viên chiến hạm, hạ sĩ quan, sĩ quan cấp uý, tá thuộc nhiều quân chủng cùng gia đình vợ con, bên cạnh họ nhiều hành lý, đang ngồi chờ chuyến bay hay từ máy bay mới đáp, vào đây. Khung cảnh nhộn nhịp đông đúc, toàn là người Mỹ, thật ngở ngàng ! Nhân viên Hải quân tại quầy chuyển vận làm thủ tục cấp xe cho chúng tôi sẽ về Subic sáng hôm sau và dặn giờ xe tới đón tại khu tạm trú dành cho sĩ quan BOQ (2). Không khí ban đêm mát hơn ở Sài gòn, đêm đầu tiên trên đất Phi.

ĐƯỜNG  VỀ  SUBIC 

   Sáng sớm, xe của Hải quân từ căn cứ Subic phái lên Clark đón chúng tôi, đưa về Hải quân công xưởng Subic Bay. Xe loại break hai bên hông xe ghi hàng chữ có nghĩa "chỉ dành cho công vụ" . Xe chạy qua các đường lớn trong căn cứ này, nhiều thảm cỏ xanh mướt, bải cỏ nào cũng có máy tưới nước, quay vung nước lên . Rời Clark, đến trưa về tới Căn cứ HQHK Subic Bay. Tài xế đưa chúng tôi đến thẳng Bộ chỉ huy để gặp Sĩ quan trực. Trung uý Hải quân này sau khi xem xong lệnh di chuyển do Phái bộ viện trợ cố vấn quân sự Mỹ cấp ở Sài gòn (3), đã hướng dẫn chúng tôi đến thẳng HQCX .Từ đây xe chạy ngang qua sân cờ danh dự của Bộ chỉ huy, trồng cỏ xanh non, gió biển làm tung bay hai quốc kỳ của Hoa kỳ và Philippines kéo lên trên hai trụ cờ dựng ngang nhau bằng thép bóng láng, bên cạnh có lệnh kỳ 2 sao trắng nền xanh dương của đề đốc Springs, cho biết đề đốc Chỉ huy trưởng đang hiện diện tại căn cứ. Sân cờ, không thiếu các súng đồng thời xưa của Hải quân đặt cân đối hai bên. Tất cả chỉ cách bờ vịnh Subic không tới mười bước, bọt nước trắng bắn lên tung toé do sóng vỗ vào những khối đá chắn bờ. Rời các toà nhà của Bộ chỉ huy và sân cờ, xe vẫn tiếp tục trên đại lộ song song với bờ vịnh, bên trái chúng tôi những sân cỏ thật rộng, nhiều hàng cây lớn, tàng cây này tiếp giáp tàng cây kia, những con đường thẳng góc với đại lộ chính rộng rải, sạch sẻ. Nhìn phía xa, bắt đầu thấy nhiều quân nhân Hải quân Mỹ, sĩ quan, hạ sĩ quan đi lại trên lề đường, từng toán công nhân người Phi đội nón nhựa màu sắc khác nhau lên xuống bến tàu, nơi có nhiều chiến hạm đang cập cầu, xe cần trục, xe vận tải lớn nhỏ,  ô-tô chạy ngược xuôi. Cảnh "trên bến dưới thuyền" rộn rịp. Bên phải, cầu tàu chạy dài cả ngàn thước, theo bờ nước, nào khu trục hạm, chiến hạm vận tải cở lớn, cơ xưởng hạm đang cập bến; bên trái, khu cơ sở chỉ huy của Trung tâm tiếp liệu, HQCX và các phân xưởng. Đến Phòng điều hành công tác của HQCX, sĩ quan trực ở đây, sau vài câu thăm hỏi xã giao, đã điện thoại cho BOQ biết để thu xếp chỗ ở, đón chúng tôi; và hẹn sáng mai chúng tôi đến Ban Giám đốc HQCX. Điều làm chúng tôi phấn khởi là ở đây đã nhận được công điện chuyển bằng Telex do phái bộ Hải quân Hoa kỳ ở Sài gòn chuyển đến, báo tin  bốn SQ HQVN du học ở Subic Bay. Sự niềm nở của sĩ quan này như một khích lệ lớn cho chúng tôi khi còn quá bở ngở về chuyện học hành, đời sống hằng ngày.

BƯỚC  VÀO  CƠ XƯỞNG

Khoá 7 đệ nhứt thiên xứng của chúng tôi đã được thăng cấp trung uý vào giữa năm 1959. Tháng 8, 1960, Bộ tư lệnh Hải quân chọn bốn sĩ quan cơ khí cùng khoá, du học về Quản trị Hải xưởng (4) nhằm mục đích đào tạo thêm SQ bổ sung cho HQCX  Sài gòn đang được cải tổ và phát triển. Bốn bạn đồng hành đi Subic trong dịp này là các anh Trịnh Văn H., Tô Văn H., Nguyễn L. và tôi. Qua ngày thứ nhì ở Subic, chúng tôi đến Phòng quản trị hành chánh của HQCX, người tiếp chúng tôi là HQ đại uý Poplewell. Đây không phải là lần đầu tiên ông bắt tay các SQ VN, vì những năm trước đó, đã có nhiều SQ thâm niên hơn chúng tôi, xuất phát từ Hải quân công xưởng Sài gòn đến nơi này cũng trong chương trình du học. Qua phần giới thiệu và trình bày vắng tắc của ông về SRF Subic Bay (5), được biết đây là cơ sở yểm trợ kỹ thuật cho Hạm đội HK, xây dựng trước đệ nhị thế chiến , được củng cố mở rộng thêm từ khi bắt đầu chiến tranh Triều tiên. Tiếp đó, ông Lane, phụ tá khối huấn luyện, hướng dẫn chúng tôi đến trình diện HQ đại tá Hughes, Chỉ huy trưởng SRF. Tuy bận rộn, đại tá cũng tiếp chúng tôi trong phòng làm việc rất rộng của ông, và chúc việc học hành của chúng tôi thu thập nhiều kết quả. Cũng trong cùng toà nhà này, cạnh đó là văn phòng của HQ trung tá Bodnaruk, Trưởng khối điều hành cơ xưỏng, người cao, mắt kính trắng, ông vui vẻ tiếp chúng tôi, không khí cởi mở; ông nói ông cũng đã gặp nhiều sĩ quan Việt-Nam đến thực tập ở Subic.Thì giờ buối sáng còn lại chỉ đủ để ông Lane dẫn chúng tôi đi xem qua văn phòng Khối điều hành cơ xưởng và Khối kế hoạch trù liệu. Đa số kỹ sư, chuyên viên phục vụ ở các Khối này là người Phi. Vào các phòng làm việc, điều làm cho chúng tôi chú ý trước hết là ánh sáng, từng dãy đèn néon dài cả chục thước, thời đó ở Việt-Nam các văn phòng còn dùng bóng tròn hay một đôi bóng néon. Bàn ghế chẳng có cái nào bằng gỗ, bàn làm việc bằng kim loại sơn xám, ghế ngồi là loại ghế xoay bọc simili cũng màu xám, giống như bàn ghế tôi thấy trước đó ở thư viện của Sở thông tin Hoa kỳ, góc đường Hai Bà Trưng và Gia long. Đầu giờ chiều đó, quân phục làm việc màu xanh tím, cấp hiệu trên vai; dạo đó, ở quê nhà, quân phục thường ngày của sĩ quan Lục quân đeo cấp hiệu trên cổ áo. Chiều ấy, còn vài thủ tục cần làm cho xong như làm phiếu mua hàng thường dùng ở PX, mượn xe đạp sử dụng suốt thời kỳ du học, lãnh nón nhựa an toàn lao động. Xe đạp sơn vàng, khung xe vững chắc, khác với xe đạp thường thấy ở bên nhà, gần dưới "ghi-đông" có gắn tấm bảng nhỏ ghi "SRF", để phân biệt với "PW" công trường xây dựng, hay "NSD"  trung tâm tiếp liệu. Đến phân xưởng Sơn để nhận nón nhựa an toàn, màu trắng dành cho SQ; mỗi phân xưởng chuyên ngành có màu sắc riêng. Bên hông phải, trái của nón ghi chữ màu đen khá lớn, xa trông cũng rõ "Vietnamese Navy"; phía trước ghi "Ltjg…", trung uý, tiếp theo là tên. Từ khu cơ xưởng đạp về BOQ, một đoàn bốn  SQ nối đuôi nhau, xe chiếc trước chiếc sau, qua các đại lộ chính trong căn cứ, thấy lạ ai cũng nhìn! Bở ngở lúc đầu, nhưng chỉ mấy ngày sau cũng quen đi, vì SQ Mỹ phuc vụ ở HQCX cũng đội nón nhựa dùng xe đạp đi liên lạc giữa các xưởng và chiến hạm. Đặt biệt có hôm, chúng tôi thấy HQ đại tá Hughes, quân phục trắng từ trên xe chevrolet đen mui trắng, xe của đơn vị trưởng, bước xuống, ông cũng đội nón nhựa an toàn; bên hông nón ghi rõ "CO SRF", tức Chỉ huy trưởng HQCX. Chẳng bao lâu sau ngày chúng tôi đến đây, tờ báo nội bộ 4 trang ra chiều thứ sáu "Subic Bay News" đã phỏng vấn chúng tôi, và đưa hình với lời phát biểu lên báo.

    HQCX được tổ chức với năm Khối chính : Kế hoạch, Điều hành cơ xưởng, Tiếp liệu, Tài chính và Quản trị nhân viên. Đứng đầu mỗi Khối là một vị trung tá hay thiếu tá thâm niên. Cấp số nhân viên kể chung cả quân nhân các cấp của Hải quân Mỹ và người Phi phục vụ cho đơn vị này từ kỹ sư, chuyên viên, công nhân, nâng tổng số lên hơn 2000 người; thời kỳ này HQCX ở Sài gòn mới chỉ có khoảng non 900 công nhân gọi là nhân viên dân chính. Chương trình học bốn tháng của chúng tôi ở đây, gồm phần lý thuyết về tổ chức kỹ nghệ, thiết lập kế hoạch sửa chửa, quản trị phân phối nhân lực, phân bổ công tác, điều hành cơ xưởng, quản trị thống kê tài chính ngân sách. Phần thực hành bao gồm việc phối hợp với chuyên viên kế hoach, thường là người Phi, khảo sát hiện trường trên chiến hạm để thảo lệnh công tác (LCT), phân nhiệm cho các phân xưởng tiến hành thi công. Cộng tác với các sĩ quan Mỹ để điều phối việc sửa chữa thực hiện tại cơ xưởng và trên chiến hạm, kể cả tàu lặn; hiện diện trong các buổi họp sửa chữa hằng tuần. Tham gia công tác vận chuyển Ụ Nổi để nâng chiến hạm lên khỏi mặt nước, sửa phần vỏ tàu, chân vịt, bánh lái, máy dò tàu lặn. Kết hợp với hội đồng kiểm tra, đánh giá kết quả sửa chửa. Tổng hợp kết quả thực hiện, sau khi hoàn thành mọi công tác để thanh toán về chi phí nhân công, nguyên vật liệu, cơ phận phụ tùng. Xin mở một dấu ngoặc ở đây là trong lúc HQCX Subic Bay đã sử dụng máy viễn ký (Telex) từ lâu, để chuyển LCT từ Khối kế hoạch đến Xưởng một cách nhanh chóng, thì ở Sài gòn, HQCX vẫn còn dùng LCT đánh máy chữ rồi gởi xuống Xưởng theo cách chuyển công văn. Sau mỗi tháng, chúng tôi lập báo cáo các giai đoạn thực tập gởi về Bộ Tư lệnh Hải quân. Đồng thời, qua nhận xét về cách thức điều động sửa chửa của Mỹ rất thực tiển ở Subic Bay, chúng tôi cũng đã nêu những ưu điểm ấy vào báo cáo; cùng những nguyện vọng, đề nghị khả thi đối với HQCX Việt-Nam. Do đó, báo cáo của chúng tôi đã được chuyển lên HQ trung tá Nguyễn Đức V.,Tham Mưu Trưởng và trình lên HQ đại tá Hồ Tấn Quyền (6), Tư Lệnh Hải quân.

   Trước khi chúng tôi đến Subic, vào những năm 1956, 1957, hằng chục chiến hạm từ Hộ tống hạm, Hải vận hạm…(7) của Hải quân Viêt-Nam đã "vượt trùng dương" đến đây sửa chữa đại kỳ , tức sửa chữa lớn từ vỏ tàu, máy chánh, vũ khí, thiết bị điện, điện tử… vì những năm đầu sau khi tiếp nhận HQCX do Hải quân Pháp chuyển giao, cơ sở này chưa đảm nhận được các công tác đòi hỏi nhiều cơ phận, phụ tùng thay thế, cùng trình độ kỹ thuật cao.

   Thời gian giữa khoá học, tin không lành loan ra từ Bộ Chỉ huy căn cứ, Đề đốc Springs cùng phu nhân, sĩ quan tuỳ viên, và các sĩ quan phi công Hải quân bị tử nạn trong một phi vụ bay đêm từ căn cứ HQ Cavite về Subic. Toàn thể quân nhân cũng như nhân viên dân sự được nghỉ một buổi chiều để dự lễ cầu hồn tổ chúc ngoài trời do vị sĩ quan Tuyên uý HQ chủ lễ. Đối với chúng tôi, như mất đi một người bạn, vì sĩ quan tuỳ viên cho vị Đề đốc này là HQ thiếu uý Zieggenhagen, người thường ngồi ăn cùng bàn, trò chuyện thân mật với chúng tôi tại phòng ăn BOQ.

CĂN  CỨ  CHIẾN  LƯỢC

Tưởng cũng nên nói qua nhiệm vụ chiến lược của căn cứ này đối với Đệ thất Ham đội ở Thái bính dương. Vịnh Subic nằm về phía Tây của Manila, thành phố lớn ở sát hải cảng , trên đảo Luzon. Năm 1898, Hải quân Mỹ đánh chìm Hạm đội Tây ban nha trong vịnh Manila, từ đó các quần đảo Philippines lệ thuộc Mỹ, sau hơn hai trăm năm dưới quyền cai trị của Tây ban nha. Trong thời kỳ người Tây ban nha chiếm đóng, họ đã xây dựng căn cứ Hải quân ở Subic Bay, để tu bổ sửa chữa chiến thuyền hoạt động xa mẫu quốc. Đầu thế kỷ XX, HQ Hoa kỳ đã phục hồi căn cứ này, để làm nơi sửa chửa chiến hạm hoạt động ở Tây Thái bình dương; vì vùng biển này cách xa Trân châu cảng đến 4800 hải lý. Trước đại chiến thế giới lần thứ 2, trên Đại dương này, Hoa kỳ duy trì hai căn cứ chiến lược và yểm trợ tiếp vận quan trọng của Hải quân là Pearl Harbor và Subic Bay. Cùng lúc Hải quân Nhựt tấn công bất thần Pearl Harbor vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, trước khi gởi tối hậu thư tuyên chiến với HK, quân Nhựt tiến chiếm Philippines; dẫn đến việc Tướng McArthur phải triệt thoái quân Mỹ khỏi nước này vào năm 1942. Đến 1945, quân đồng minh dưới quyền chỉ huy của McArthur đổ bộ vào đảo Leyte ở phía Nam, phản công quân Nhựt rồi chiếm lại Manila và toàn bộ nước này; sau đó trao trả độc lập cho người Phi năm 1946, trở thành nước Cộng hoà Philippines, nhưng vẫn duy trì các căn cứ quân sự của Hoa kỳ.

     Ở Á châu, chẳng bao lâu sau, Mao Trạch Đông chiếm cả nước Trung hoa vào năm 1949; rồi xảy ra chiến tranh Triều tiên 1950 - 1953. Âu châu, từ 1948, Liên bang Sô-viết phong toả Tây Bá linh, Không lực HK phải thiết lập cầu không vận để tiếp tế, manh nha chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông Tây. Trong bối cảnh đó, HK buộc phải tăng cường phòng tuyến Tây Thái bình dương, Subic Bay tức khắc trở thành cứ điểm chiến lược xung yếu của Hạm đội HK; song song với việc tăng cường hệ thống căn cứ quân sự từ Nhật đến Okinawa, Guam. Cũng trên thế chiến lược đó, căn cứ Không quân HK ở Clark Field đã được phát triển. Căn cứ Subic Bay giữ vai trò yểm trợ tiếp vận quan trọng đối với Hạm đội 7, được xây dựng như một tổng thể bao gồm nhiều chuyên ngành khác nhau của quân chủng Hải quân. Do đó, trong bản doanh này có nhiều đại đơn vị : Căn cứ Hải quân, bảo vệ quân cảng cầu tàu, cung ứng dich vụ sinh hoạt; HQCX , sửa chữa cho tất cả chiến hạm hoạt động miền Tây Thái bình dương quá xa Trân châu cảng, nơi đặt Bộ Tư Lệnh chỉ huy liên quân của Quân lực Hoa kỳ tại đại dưong này; Trung tâm Tiếp liệu, yểm trợ thiết bị phụ tùng, bom đạn xăng dầu cho chiến hạm từ Tiềm thuỷ đỉnh, Khu trục hạm đến Hàng không Mẫu hạm, phi cơ chiến đấu của Hải không quân; Trung tâm kiến tạo, bảo quản doanh trại cầu tàu, bến bải, phi trường nội bộ căn cứ… 

LÊN  TOÀ  ĐẠI  SỨ            

Thấm thoắt, chúng tôi đã đến Subic hơn hai tháng, quen dần thời tiết trên đất Phi; vào những tháng này, trời mưa nhiều giống Sài gòn. Chỉ còn mấy hôm đến Quốc khánh 26 thang 10, chúng tôi bàn nhau nên gởi đơn xin nghỉ phép sớm, các bạn đồng thời góp ý kiến xin cấp luôn xe để lên Toà Đại sứ tại Manila. Sáng đó, trước khi rời BOQ, trong cặp sách vở, tôi không quên đem theo đơn xin phép theo mẫu in mà trước đó tôi đã xin ở Ban Giám đốc HQCX. Như thường lệ mỗi buổi sáng, chúng tôi "đi học" bằng xe đạp, khởi hành từ BOQ qua các đại lộ chính trong căn cứ để đến xưởng thực tập. Trên đường tới xưởng, chúng tôi ghé vào văn phòng trưởng khối hành chánh, gởi đơn xin nghỉ phép nhân dịp ngày Quốc khánh Viêt-Nam Cộng hoà, HQ đại uý Poplewell đã vui vẻ tiếp chúng tôi và khi bắt tay từ giả, hứa sẽ cho xe đưa chúng tôi về Manila.

    Hôm nay ở bên nhà tổ chức lễ Quốc Khánh, anh em chúng tôi bảo nhau như thế và chuẩn bị đi Manila. Xe đến, chúng tôi ra xe, phấn khởi vì hôm nay ngày đẹp trời, về viếng Toà Đại sứ, sẽ gặp đông đảo sinh viên du học hay người Việt đang công tác ở Philippines. Ý nghĩ găp lại người đồng hương như có gì thôi thúc muốn thời gian qua mau. Quân phục trắng thẳng nếp, khác với màu xanh tím cố hữu thường ngày. Xe ra tới cổng chánh của căn cứ dừng lại, người lính Thuỷ quân lục chiến HK kiểm soát lệnh di chuyển, giơ tay lên chào chúng tôi và ra dấu cho xe chạy. Vừa ra khỏi cổng chánh này là cây cầu bắt ngang sông nhỏ, cũng là ranh giới giữa căn cứ với thành phố Olongapo, độ ba mươi ngàn dân. Trên đường phố chính, hai bên san sát khách sạn, nhà hàng ăn uống giải khát, hộp đêm quán rượu, bên cạnh đó, vài cửa hàng lưu niệm, hiệu chụp hình lẻ loi. Mỗi buổi chiều có cả ngàn thuỷ thủ Mỹ áo trắng, từ các chiến hạm về nghỉ bến hay đang sửa chửa, tung ra khắp các ngả đường. Đa số người Phi luật tân làm việc trong căn cứ đều sinh sống quanh đây. Đường phố chính Olongapo non bốn cây số, xe ra khỏi thành phố bắt đầu lên giốc và còn phải chạy qua nhiều đồi núi bao quanh vịnh Subic; trước khi xuống miền đồng bằng. Quan cảnh miền quê ở Philippines, nhiều nơi trông giống đồng ruộng quê nhà, ruộng lúa nước, vài con trâu đứng ăn cỏ bên bờ sông; khi xe chạy trên cầu nhỏ, nhìn xuống giòng nước, trông rõ những đám lục bình ven bờ. Đến đồng bằng, rất nhiều nơi chỉ trồng toàn mía; nhiều nhà máy làm đường kế cận. Thời ấy tại các nhà máy này còn phơi bả mía cho khô dùng lại làm chất đốt cho lò nấu đường. Trước khi đến Manila, đã đi qua các thị trấn dân cư đông đúc, có chỗ đường rất rộng, bên lề rợp bóng cây. Rời Subic Bay, rồi Olongapo trời nắng. May mắn, xe chạy đến Manila, vẫn còn là buổi trưa trời trong xanh. Mùa này giống như ở Sài gòn, có thể sáng nắng chiều mây đen kéo đến, mưa giông. Manila nằm bên bờ biển, tài xế đưa chúng tôi đi ngang qua những đại lộ thẳng tắp, với những mảng cỏ đựoc chăm sóc hai bên đường , công viên nhiều cây xanh. Khi đến một khu toàn là biệt thự sang trọng, dành cho các Toà Đại sứ,  vườn rộng bao quanh với cây cao, tài xế người Phi nhắc cho mọi người biết sắp đến Toà Đại sứ VNCH. Đây là một toà nhà lớn, sơn trắng, nằm sâu trong khuôn viên có tường bao quanh; trụ cờ lớn ở giữa sân chính; màu cờ nền vàng ba sọc đỏ thật tươi. Xe chạy thẳng vào sân bên hông Toà Đại Sứ dừng lại. Qua các thủ tục trình diện Toà Đại sứ, chúng tôi đến văn phòng Đại Uý Tôn Thất P., Lục Quân, Tuỳ viên Quân Lực để tường trình kết quả đạt được trong chương trình thực tập ở HQCX Subic Bay.

SINH  HOẠT  QUỐC  KHÁNH

Nhân dịp ngày Quốc khánh, trong phòng khách của Toà Đại sứ rất đông người, đa số là các phóng viên của nhật báo, tạp chí xuất bản ở Manila, mốt số báo ngoại quốc. Rất nhiều sinh viên Viêt-Nam đang du học ở những Đại học Philippines, hôm nay cũng qui tụ về đây. Rời Phòng Tuỳ viên Quân lực, chúng tôi ra trước tiền sảnh để trả lời cho một số người Phi muốn tìm hiểu về đời sống, giá cả sinh hoạt, khí hậu thời tiết và cả về chính trị của Việt-Nam thời đó. Một lát sau, vì số người Phi tới xin thị thực nhập cảnh mỗi lúc một đông thêm, nên tiền sảnh không còn chỗ, tôi bước xuống mấy bậc tam cấp bên cạnh bải cỏ, gặp một người Việt-Nam mà tôi nhận ra ngay là Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (8). Năm 1957, ông mới về nước đã tổ chức triển lãm đồ án quy hoạch, tái thiết Sài gòn Chợ lớn và vùng phụ cận, cùng đồ án thiết kế đô thị rất hoàn chỉnh đã đoạt giải khôi nguyên La Mã; vinh dự được Tổng Thống Ngô Đình Diệm đến cắt băng khai mạc tại toà Dô sảnh Sài gòn. Quá mừng rở khi nghe giọng Huế của ông, một người đồng hương ở nước ngoài, tôi vội chào; và ông hỏi ngay có phải các anh là sĩ quan Hải quân về Manila dự lễ Quốc khánh? Khi ra nước ngoài, gặp lại người Viêt-Nam thì ai cũng nghĩ đến quê nhà, cảm nghĩ của mọi người giống nhau. Câu chuyện mà ông trao đổi với tôi trở nên thân tình. Trong khuôn viên Toà Đại sứ Việt-Nam ở Manila, cũng gọi là xa xôi, có hai người cùng quê gặp nhau một cách bất ngờ. Có lẽ chính trong hoàn cảnh đó mà ông đã nói chuyện khá lâu về kiến thiết đất nước, hoài bảo lớn của ông về chỉnh trang Sài gòn mà điểm chính như dời nhà ga xe lửa Saigòn ra ngoại ô, xây dựng làng đại học Thủ đức, biến Thủ thiêm thành đô thị cân đối với thành phố Saigòn hiện chỉ phát triến trên bờ hữu ngạn. Buổi chiều 26 tháng 10 năm 1960, tại Manila, Toà Đại sứ Việt-Nam đã khai mạc cuộc triển lãm thiết kế đô thị của KTS Ngô Viết Thụ; ngoại giao đoàn và rất nhiều nhân vật trong chính phủ Philippines tham dự. Báo chí nước này dành nhiều bài trình bày cảm tưởng về công trình nghiên cứu và đồ án thiết kế thật quy mô của một thiên tài Việt-Nam; và các cảm nghĩ về một nước "Cộng Hoà trẻ trung"

( the young Republic). Tối cùng ngày, Đại sứ Việt-Nam Cộng hoà tại Philippines, ông Cao Thái Bảo, đã tổ chức buổi tiếp tân long trọng tại biệt thự tư dinh. Đông đủ ngoại giao đoàn của các nước đến tham dự, Tuỳ viên quân sự Hải, Lục, Không quân của nhiều nước cũng có mặt. Chúng tôi tới tư dinh của Đại sứ Cao Thái Bảo bằng ô-tô của Hải quân Hoa kỳ để dự tiếp tân. Trong lời tuyên bố khai mạc, Đại sứ nhắc lại tiến trình xây dựng VNCH, từ ngày tuyên bố hiến pháp đến nay mới chỉ bốn năm mà đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể về mặt kinh tế, ông cũng ngỏ lời cảm ơn các vị Đại sứ của những nước đã từng giúp đở  ủng hộ Việt-Nam. Chúng tôi gặp lại KTS Ngô Viết Thụ trong buổi tiệc này; nhiều vị Đại sứ đến bắt tay ông thăm hỏi xã giao. Phu nhân của Đại sứ VNCH hiện diện trong buổi tiếp tân đã khéo léo hướng dẫn nhân viên phục vụ, và  rất chu đáo về phần tổ chức chiêu đải cho gần hai trăm quan khách tham dự. Các tuỳ viên thuộc Toà Đại sứ VNCH, các nam nữ sinh viên Việt-Nam đang du học cùng chúng tôi tiếp khách ngoại quốc; họ đều rất tò mò muốn tìm hiểu Viêt-Nam. Ái nữ của ông bà Đại sứ, sinh viên Đại học Philippines, trong chiếc áo dài truyền thống duyên dáng của cô gái Việt-Nam, cũng rất nhiệt tình tham gia vào buổi tiếp tân. Nói chung, đêm ấy người Việt-Nam hiện diện không phân biệt cương vị ngoại giao, sinh viên du học, quân nhân ai ai  cũng muốn cùng nhau hợp lực để cố nói lên tiếng nói khao khát tự do, độc lập, lòng mong muốn xây dựng đất nước ngày càng phát triển đem lại cơm no áo ấm, cuộc sống thanh bình hạnh phúc cho đồng bào, để các chính giới quốc tế, ngoại giao đoàn càng hiểu rõ thêm. Nhiều ảnh kỷ niệm đã chụp ở phòng khánh tiết rộng lớn này, ảnh chụp chung với ông bà Đại sứ, ái nữ, KTS Ngô Viết Thụ…Đã khuya, lịch sự đợi cho khách ngoại quốc về gần hết, chúng tôi chào từ giả Đại sứ cùng gia đình, và số ít anh chị em sinh viên còn lại, trước khi ra về. Ngày Quốc Khánh năm ấy đã để lại trong đời binh nghiệp của chúng tôi nhiều hình ảnh khó quên.

HÀNH  TRANG  NGÀY  VỀ   

   Trở về lại Subic, sinh hoạt hằng ngày của chúng tôi bắt đầu đi sâu vào chuyên môn nhiều hơn; không còn đi với nhau theo nhóm hai người nữa; mà tách riêng đi thực tế hiện trường với sĩ quan Mỹ, kỹ sư dân sự ngưòi Phi hay trưởng xưởng người Mỹ hoặc Phi. Nhờ có chương trình bổ túc Anh ngữ mỗi ngày một giờ do Bà Dunn phụ trách tại ban huấn luyện, ngay từ khi mới đến đây; nên sau hơn hai tháng quan hệ trực tiếp với người Mỹ, Phi, cách diễn tả trong công vụ hằng ngày đã trôi chảy hơn trước. Đi liên hệ sửa chữa chiến hạm đôi lúc không thể dùng xe đạp được nữa, vì Hàng không Mẫu hạm cập vào cầu tàu gần sân bay Cubi Point, nằm bên kia vịnh, đi vòng cung hơn năm cây số; phải dùng xe pickup, loại xe này thông dụng vì ở sau có thể chở dụng cụ, cơ phận sửa chửa. Đôi khi phải đến khu canh gát đặc biệt, vào cửa phải trình thẻ cho nhân viên an ninh kiểm soát, vì đó là khu cầu tàu dành cho tàu lặn. Để đúc kết một tài liệu khá cụ thể về kết quả thực tập ở HQCX Subic, đệ trình Bộ Tư lệnh Hải quân khi trở về Việt-Nam sau thời gian du học, tôi lợi dụng thì giờ cuối tuần viết đề tài "Tổ chức và Điều Hành Hải quân Công xưởng Subic Bay" . Tài liệu này phần lớn dựa vào các huấn thị, văn thư hiện hành phổ biến cho Hạm Trưởng các chiến hạm đưa tàu vào sửa chữa, các tài liệu phổ biến cho các đơn vị Đệ thất Hạm đội có quan hệ với HQCX Subic Bay; và những ấn phẩm, biểu mẫu Đơn xin sửa chửa, Lệnh công tác, bảng tổng kết chi phí sửa chữa…đã thu thập được khi đến các xưởng.

    Vào các dịp nghỉ cuối tuần, muốn thay đổi khẩu vị, thỉnh thoảng chúng tôi mặc thường phục ra phố Olongapo dùng cơm trưa ở các hiệu ăn của người Phi. Ở gần cổng chánh, bên trong căn cứ có một gian hàng bán báo, tạp chí Phi, Mỹ đủ loại. Trong căn cứ, ở BOQ hay thư viện tạp chí, báo hằng ngày rất đầy đủ, nên chúng tôi ít khi dừng lại tại quầy báo này. Nhưng có một hôm, trên trang đầu của nhựt báo Philippines xuất hiện tựa đề thật lớn về đảo chánh ở Sài gòn, làm chúng tôi bàng hoàng kinh ngạc. Vội vào mua tờ báo, và không còn muốn ra phố ăn trưa nữa, liền trở về BOQ. Báo Phi đưa tin cuộc đảo chánh đã xảy ra ngày 11 tháng 11, do một nhóm sĩ quan cầm đầu nhưng bất thành, Tổng thống Ngô Đình Diệm vẫn còn ở cương vị nguyên thủ quốc gia. Hôm ấy tuy là ngày nghỉ cuối tuần, nhưng thư viện mở cửa, chúng tôi vội đến đó để đọc báo Mỹ, có nhiều báo tường thuật khá kỹ về diễn tiến cuộc đảo chánh này. Ngày thứ hai đầu tuần sau, trở lại HQCX, gặp chúng tôi một số sĩ quan Mỹ, chuyên viên người Phi đều hỏi thăm về tình hình chính trị ở Việt-Nam.

   Chỉ còn mấy tuần cuối của khoá học, tôi cố gắng hoàn thành đề tài đang viết bằng cách tham khảo thêm các tài liệu cần thiết như mở rộng tầm nhìn về Hải quân công xưởng Pearl Harbor; để qua đó, tìm kiếm mô hình tổ chức cơ xưởng thuận lợi, có thể ứng dụng vào trường hợp HQCX Sài gòn, tình trạng của một nước vừa thoát khỏi chiến tranh Việt-Pháp và đang phát triển. Gần mãn khoá, thời gian trôi qua thật mau, chúng tôi ai cũng bận rộn lo hoàn tất bảng tổng kết cuối khoá để nạp cho ban Giám đốc HQCX Subic, trong đó nêu các ưu điểm hay các đề nghị liên quan đến chương trình học để bổ sung cho các khoá sau; rồi còn phải dành thì giờ cho những bửa cơm thân mật do gia đình các sĩ quan Mỹ mời trước khi chia tay về nước. Trong buổi lễ cấp chứng chỉ mãn khoá huấn luyện cho chúng tôi tổ chức tuy đơn giản nhưng trọng thể, HQ đại tá Fairchild, tân Trưởng khối điều hành cơ xưởng, thay mặt Ban Giám đốc, đã phát biểu và đánh giá cao về những cố gắng của chúng tôi trong quá trình thực tập ở hải xưởng cũng như trong quan hệ hợp tác hằng ngày với các cấp quân nhân dân sự Mỹ, Phi; chúc chúng tôi lên đường về nước áp dụng thành công điều đã học. Theo sau đó, tiệc trà thân mật chia tay với đại tá Fairchild, nhiều đại diện các Khối, Xưởng, Bà Dunn người đã dạy Anh văn bổ túc, và các sĩ quan Mỹ đã trực tiếp hướng dẫn chúng tôi trong suốt thời gian qua.

   Ngày lên đường về nước, rời BOQ, xe đưa chúng tôi ngược lại con đường cũ đã đi qua bốn tháng trước đây, một lần nhìn lại cây cầu bắt ngang đôi bờ căn cứ Subic Bay và thành phố Olongapo, cổng chánh đã lùi về phía sau; tôi liên nghĩ về nhiệm vụ sắp đến ở quê nhà, và mong ngày về phép thăm mẹ và em. -

 

NGUYỄN VĂN QUANG
Strasbourg, Thu 2002        

 

Chú thích :

(1)     Clark Air Force Base
(2)     Bachelor Officers' Quarters
(3)     Military Assistance Advisory Group, MAAG, trụ sở ở đường Trần Hưng Đạo, Sài gòn
(4)     Shipyard Management
(5)     SRF: US Navy Ship Repair Facility      PW: Public Works    NSD: Naval Supply Depot 
(6)     HQ Đại tá Hồ Tấn Quyền, Tư Lệnh Hải quân Việt-Nam từ 1959 - 1963. Bị ám hại trưa 1/11/1963,
trong vụ đảo chánh cùng ngày.
(7)     Hộ tống hạm, PC,  Patrol Coastal;   Hải vận hạm, LSM,  Landing Ship Medium
(8)     Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã mất ở Sài gòn cách nay hai năm, để lại nhiều công trình kiến trúc như
Dinh Độc Lập, Thư Viện Quốc gia.         

Pour être informé des derniers articles, inscrivez vous :
Commenter cet article