Hoan hô Google

Publié le par Bienxua

Lê Phan
 
   Hôm Thứ Tư tuần này, Google tuyên chiến với chính quyền Bắc Kinh. Google tuyên bố là đã có những tấn công vào hệ thống Gmail cũng như hạ tầng cơ sở kỹ thuật phát xuất từ Trung Quốc. Do đó công ty quyết định từ nay sẽ không tuân thủ lệnh tự kiểm duyệt của chính quyền Bắc Kinh nữa, và nếu không thể tiếp tục thì có thể đi đến quyết định rút lui khỏi thị trường Trung Quốc.

Nhưng tại sao Google, trong nhiều năm, cũng như các công ty kinh doanh Tây Phương khác, đã sẵn sàng theo đuổi kinh doanh bất kể lương tâm, bỗng nhiên thay đổi ý kiến.

Một phần nào giải thích thái độ của công ty, tờ New York Times kể lại câu chuyện của cô Tenzin Seldon, sinh viên 20 tuổi của Viện Ðại Học Stanford. Cô Seldon đột nhiên nhận được một thông điệp từ văn phòng viện yêu cầu cô liên lạc với Google vì Gmail của cô đã bị tin tặc tấn công. Tenzin, vốn gốc người Tây Tạng, là một trong nhóm tranh đấu cho nhân quyền tại quê cũ. Lập tức cô liên lạc với giám đốc Luật Pháp của Google, David Drummong.

Cô Seldon kể lại là ông David cho cô biết địa chỉ Gmail của cô đã bị một người ở Trung Quốc đột nhập khiến công ty rất lo ngại và yêu cầu cô cho mượn cái laptop của cô. Ngay lập tức cô thay password và cẩn thận hơn trong những gì cô viết qua email. Cô cũng cho phép Google mượn cái laptop. Chuyện này xảy ra cách đây hơn một tuần. Tuần này họ trả lại máy cho cô và nói là không tìm thấy virus hay là các chương trình xấu nhưng quả là địa chỉ Gmail của cô đã bị lén lút đột nhập. Google xác nhận câu chuyện của cô sinh viên gốc Tạng, nhưng không chịu cho biết là có bao nhiêu nhà tranh đấu đã là nạn nhân của các cuộc đột nhập như vậy.

Ðiều chắc chắn là một người bình thường ở Trung Quốc, dầu có tò mò đến đâu, cũng không “hack” vào email của một nhà tranh đấu cho người dân Tây Tạng. Kẻ chủ mưu vụ đột nhập này chắc chắn phải vô cùng lo ngại về hoạt động của những người chống đối ở Tây Tạng nên mới tìm cách đột nhập một địa chỉ email tư nhân như vậy.

Cho đến nay, mức độ của sự tấn công vào Google và vài chục công ty khác vẫn còn chưa rõ, nhưng tin này đã làm cho không phải chỉ các nhà kinh doanh mà ngay chính Washington cũng lo ngại. Chính phủ Hoa Kỳ, kể từ chính phủ Bush nay đến chính phủ Obama, đã bày tỏ quan ngại về an ninh trên hệ thống computer của thế giới và các cuộc tấn công xuyên qua Internet. Các nhà nghiên cứu độc lập về an ninh Internet cho là có ít nhất 34 công ty đã bị đột nhập bởi những cuộc tấn công phát xuất từ Trung Quốc. Theo các chuyên gia này, trong số các công ty đó có Adobe, Symantec, Yahoo và Dow Chemical, và mục tiêu là gián điệp kỹ nghệ.

Tờ Washington Post giải thích là mục tiêu các cuộc tấn công này có vẻ nhắm đến những kỹ nghệ chiến lược mà Trung Quốc đang còn thụt hậu. Các cuộc tấn công vào những công ty chuyên về kỹ nghệ quốc phòng là nhắm để tìm tin tức về các hệ thống vũ khí, trong khi các công ty kỹ thuật là để tìm mật mã gốc (source code) vốn là nền tảng của các chương trình điện toán.

Trên blog của mình, ông Drummond của Google giải thích là vào giữa Tháng Mười Hai năm rồi, Google đã tìm thấy “một cuộc tấn công tinh vi và có mục đích” vào hệ thống computer của công ty “phát xuất từ Trung Quốc.” Cộng thêm vào cuộc tấn công đó là những cuộc đột nhập Gmail của một số các nhà tranh đấu cho nhân quyền ở Hoa Kỳ, Âu Châu và tại chính Trung Quốc. Và theo ông Drummond, chuyện đột nhập Gmail này xảy ra khá thường xuyên. Chuyện này, cùng với sự gia tăng kiểm duyệt của chính quyền đã làm cho Google thấy cần phải “nghiên cứu lại sự khả thi” của công việc làm ăn của họ tại Trung Quốc. Trong năm vừa qua, Google cũng đã có nhiều vụ đụng độ với Bắc Kinh. YouTube đã bị chặn khi cho phổ biến một đoạn phim cho thấy cảnh công an đánh các nhà sư Tây Tạng. Dịch vụ Blog của Google cũng gặp nhiều cản trở với hiện nay không làm sao vào được ở Bắc Kinh. Trong khi đó Twitter và Facebook đã bị chặn từ nhiều tháng nay.

Cũng có thể nói hành động của Google dựa trên quyền lợi hơn là vì lý tưởng. Ở Trung Quốc, tuy thị trường lớn thật, với trên 300 triệu người được coi là “công dân mạng,” Google chỉ chiếm được có 30% thị phần. Thật ra gần đây Google đã tăng được thêm 3% và hiện nay chiếm được 33% thị phần. Thành ra, rút lui ra khỏi Trung Quốc cũng không gây thiệt hại bao nhiêu cho công ty trong khi lại còn có thể giúp công ty có thể được ủng hộ từ những khách hàng ở Tây Phương.

Nhưng thật ra nhiều công ty Tây Phương cũng đang ở trong cái thế của Google. Tuyên bố trên thông tấn xã AFP, ông Duncan Clark, một nhà tư vấn, nhận xét là ngày càng có sự thiếu cân xứng giữa lập trường của các công ty Tây Phương và chính quyền Bắc Kinh. “Ở đây (Trung Quốc) người ta nghĩ không ai có thể bỏ qua Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ nay nhiều công ty đang nghĩ là không ai có thể làm ăn được với Trung Quốc.”

Và có lẽ chính vì vậy mà chính phủ Trung Quốc đã có vẻ giật mình. Chính quyền đã tìm cách giấu nhẹm lý do tại sao Google tính chuyện rút lui khỏi Trung Quốc. Các địa chỉ Internet ở Trung Quốc tìm cách ém nhẹn tin này. Nhưng ở Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới, các “công dân mạng” ngày nay có đủ khả năng để vượt qua tường lửa, dầu là “Vạn lý tường lửa” của Bắc Kinh. Ðã có nhiều lời khen Google được phổ biến trên các diễn đàn. Nhiều người còn mạnh dạn hơn. Họ đã đem hoa tới để trước cửa văn phòng của Google tại Bắc Kinh. Tờ New York Times nói có hai cô sinh viên đã còn mang cả rượu và nhang đến để làm lễ “cúng vọng” cho Google.

Trung Quốc đã được hưởng rất nhiều nhờ việc mở cửa kinh tế và nhờ toàn cầu hóa. Trung Quốc sẽ không hùng mạnh như ngày nay nếu không có toàn cầu hóa khiến thị trường Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu mở rộng cửa cho họ bán hàng. Nhưng Bắc Kinh vẫn chỉ nghĩ đến “mở cửa” hiểu theo nghĩa là “mở cửa có lợi cho họ.” Ở một khía cạnh khác, Bắc Kinh rất sợ “mở cửa.” Nhưng chính vì sợ mở cửa, Bắc Kinh rồi sẽ thấy là họ đang tự hại mình. Google đóng cửa văn phòng và hoạt động ở Trung Quốc không chỉ làm cho 700 nhân viên, đa số là các chuyên viên điện toán thượng thặng mất việc lương cao, mà sẽ làm cho Trung Quốc mất một cơ hội học hỏi thêm từ một trong những công ty sáng tạo nhất của Hoa Kỳ. Học lén làm sao bằng được học chính thức?

Thành ra trong cuộc chiến giữa Google và chính quyền Trung Quốc chưa biết rồi ai sẽ thắng ai sẽ bại.

Nhưng dầu sao xin hoan hô Google. Không hiểu quí độc giả nghĩ sao chứ bản thân tôi sẽ rất bất mãn nếu thấy địa chỉ Gmail của mình bị ai đọc lén. Nếu Google sẵn sàng bảo vệ email của tôi thì tôi xin ủng hộ Google hết mình.

Lê Phan
 
 

 

Pour être informé des derniers articles, inscrivez vous :
Commenter cet article